Tịnh xá Phú Cường

http://www.tinhxaphucuong.vn


Vu Lan Báo Hiếu - Kính Dâng Cha Mẹ

Con nhớ Mẹ chiều hạ buồn đất khách Cơn mưa chiều buốt giá tấc lòng con Tiếng mưa rơi hay tiếng Mẹ đêm trường Cùng nỗi nhớ con thơ chiều viễn xứ Thân Mẹ gầy gian lao theo ngày tháng Mái tóc xanh sương trắng đã phai màu Con khôn lớn cạn khô bầu sữa Mẹ Biết bao giờ con trả được thâm ân Chuông chùa nhẹ Vu lan mùa Hiếu hạnh Tấc lòng thành con dâng Mẹ phương xa
Vu Lan Báo Hiếu - Kính Dâng Cha Mẹ
KÍNH DÂNG MẸ
Con nhớ Mẹ chiều hạ buồn đất khách
Cơn mưa chiều buốt giá tấc lòng con
Tiếng mưa rơi hay tiếng Mẹ đêm trường
Cùng nỗi nhớ con thơ chiều viễn xứ
Thân Mẹ gầy gian lao theo ngày tháng
Mái tóc xanh sương trắng đã phai màu
Con khôn lớn cạn khô bầu sữa Mẹ
Biết bao giờ con trả được thâm ân
Chuông chùa nhẹ Vu lan mùa Hiếu hạnh
Tấc lòng thành con dâng Mẹ phương xa
Đóa hoa xinh nơi ngực áo con cài

Ôi hạnh phúc màu hoa ta còn Mẹ!

Thích Nữ Tường Hạnh: "Nỗi lòng người con xa xứ kính dâng Mẹ nhân mùa Vu lan Báo hiếu, PL. 2553 - DL. 2009"

***

BÔNG HỒNG CÀI ÁO


Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời với tình thương . Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không thể lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn.
Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: "Tai nạn lớn nhất đã xảy ra cho tôi rồi!". Lớn cách mấy mà mất mẹ, thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì kẻ mồ côi . 
Những bài hát, những bài thơ ca tụng tình mẹ, bài nào cũng dễ thấy hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ . Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất từ hồi nhỏ là một bài thơ giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, âu lo . . . sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến nhưng chắc chắn phải đến:

Năm xưa tôi còn nhỏ 
Mẹ tôi đã qua đời! 
Lần đầu tiên tôi hiểu 
Thân phận kẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc, 
Im lặng tôi sầu thôi, 
Để dòng nước mắt chảy, 
Là bớt khổ đi rồi . . .
Hoàng hôn phủ trên mộ, 
Chuông chùa nhẹ rơi rơ.i 
Tôi thấy tôi mất mẹ 
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì đã mất rồi. Người nhà quê Việt Nam không ưa nói cách cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là một kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ vừa giản dị, vừa đúng mức: 
Mẹ già như chuối ba hương, 
Như xôi nếp một, như đường mía lau. 
Ngon biết bao nhiêu! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lại ngực cho ta, đặt bàn tay trên trán nóng ta và than thở "Khổ chưa, con tôi", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau . 
Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; những chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận. "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" . Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thuơng yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý niệm thương yêu của tôn giáo vốn cũng dạy về tình thương. Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi . Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có Đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ "mẹ" là ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương đi tới tín ngưỡng và hành động thì không xa mấy.


Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Mother's Day, mồng 10 tháng 5. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày, tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. 
Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là ngày Mother's Day, theo tục Tây Phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài hoa hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa màu trắng. Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà cảm thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào, chúng tôi không có được cái tự hào cài trên áo một bông hoa màu hồng. 
Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ dù Người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan! 
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta. Những kẻ đã và đang có mẹ, đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói : "Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya, dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc vá may, giặt rửa, dọn dẹp... Và để mình suốt đời bận rộn lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất, mình có cảm nghĩ "như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ".
Chiều nay khi đi học về hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em hãy ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không ?". Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi một câu như thế vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt và ngày mai mẹ mất, em sẽ không hối hận đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói nhiều về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng, mệt nhọc - mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ; như vậy là đủ. 

Mà thương mẹ không chỉ là một bổn phận, thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước, con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ "phải" đây không phải là luân lý, là bổn phận. "Phải" đây là lẽ đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, mẹ thì đương nhiên thương con. Nếu mẹ không cần con và con không cần mẹ thì đó không phải là mẹ con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. 
Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng, con mà thương mẹ thì cần phải làm như thế nào? Tôi trả lời: vâng lời cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi. Bây giờ thì tôi biết rằng con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, cần chi phải hỏi "làm như thế nào". 
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý, đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như chuối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì uổng cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này, anh chị đừng có than thở rằng đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết được Ngọc Hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc Hoàng là đấng tự sinh không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ. 
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng lẽ chị tôi không nên đi lấy chồng và tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. 
Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng, lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi. Nhưng đến khi chúng tôi ăn qua loa để đợi rước dâu thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi nó đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm cơm, khóc. Chị nói "Thôi con không đi lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc rồi chị cũng đi lấy chồng, còn tôi thì bỏ mẹ đi tu. 
" Cát ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa mà không có sự lựa chọn nào là không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng quý báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. 
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn ai hết - tôi không giảng luân lý đạo đức. Tôi chỉ nhắc nhở anh "mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật ngọt ngào, là tình thương". Để anh đừng quên. Để chị đừng quên. Để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn. Cũng không phải là lỗi nữa mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, vô tình mà thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một hoa hồng để anh sung sướng, thế thôi. 
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên như thế này. Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc về, anh hãy vào trong phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi. mẹ có biết không ?". Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi anh, vừa hỏi vừa cười: "Biết gì?". Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?". Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi cũng có thể hỏi một câu như thế vì ngươi là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong ý thức tình thương bất diệt và ngày maị mẹ mất anh, anh sẽ không hối hận đau lòng tiếc rằng anh không có mẹ. 
Đó là điệp khúc mà tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca, em hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa màu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi !

(Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ) .

NHẤT HẠNH 
1962
***

VU LAN XA XỨ

Chiều buồn đất khách nhớ quê

Vu lan Pháp quốc vọng về cố hương

Cõi lòng lữ khách tha phương

Riêng mang khắc khoải lệ vương mi sầu

Xứ người nhớ Mẹ buốt đau

Khi xưa bên Mẹ hoa màu thắm tươi

Mẹ là cả một trời thương

Mẹ là cả một thiên đường trần gian

Tiếng ru Mẹ ấm vô vàn

Nuôi con không quản một lời thở than

Mưa trời ngập cả mây ngàn

Nhớ công dưỡng dục muôn đàng xót xa

Mẹ như trời đất bao la

Như cơn nắng hạ che ta qua đường

Trong tâm tưởng con nhớ thương

Mẹ hiền một nắng hai sương ân tình!

Thích Nữ Tường Hạnh

***

HIẾU ĐẠO - NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC HỌC PHẬT GIÁO

Nhưng cũng có người nuôi cha mẹ lúc đau bệnh bằng những lời nặng nhọc, “cực chẳng đã”, thật đáng trách lắm thay! Cha mẹ đau do thân bệnh thì ít mà nỗi đau trong tâm do bị con cái hất hủi thì nhiều. Thế nên, khi cha mẹ đau ốm là lúc để chúng ta thể hiện lòng hiếu kính một cách có ý nghĩa nhất. 
Ngày Vu lan được gọi là ngày truyền thống báo hiếu. Tất cả mọi người con đến ngày này về chùa được quý thầy nhắc lại trách nhiệm của mình đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Là Phật tử, lẽ tất nhiên phải sống một đời hiền lương đạo đức. Nếu chúng ta sống bất hiếu với cha mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ không thương ai một cách chân tình. 
 
Cha mẹ là người sanh thành dưỡng dục giúp ta trưởng thành, cho chúng ta đến trường để tiếp cận với tri thức, xây dựng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc cho con cái. Nếu xét nghĩ đến sự un đúc đó của cha mẹ như trời biển thì bổn phận làm con, ta phải làm gì để đền đáp thâm ân đó? Đức Phật chế ra ngày Vu lan - ngày hiếu đạo để khắp thế gian này, tất cả mọi người đều hiểu được đạo đức căn bản của một người con hiếu thảo. Vì vậy, hiếu đạo là căn bản của đạo làm người, hay nền tảng của đạo đức học Phật giáo. 
 
Điều kiện căn bản để bước vào con đường đạo đức, trước tiên phải nói đến sự hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ. Nho giáo có câu: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”. Một người không có hiếu đạo thì không xứng đáng làm người, còn người Phật tử mà bất hiếu thì không phải là Phật tử chân chánh. Chúng ta hàng ngày đến chùa lễ Phật, tụng kinh, làm công quả… nhưng đối với cha mẹ lại bất kính, thờ ơ thì những việc làm đó có đúng với ý nghĩa “tốt đời đẹp đạo” không? Và mình có phải là một con người thật sự có đạo đức chăng? 
 
Đức Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Vì vậy, ngày Vu lan là ngày chúng ta quy ngưỡng về cha mẹ bằng một lòng chân thành hiếu kính. Dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời, bổn phận làm con, chúng ta cũng phải từng ngày từng giờ, từng phút từng giây nghĩ nhớ đến công ơn sanh dưỡng mà lo phụng thờ sớm hôm ân cần. Còn như cha mẹ đã khuất thì nên siêng làm nhiều việc thiện, cúng dường Tam bảo, hồi hướng công đức cho cha mẹ sớm về nơi an lành. Đây là một nét đẹp truyền thống văn hóa đạo đức của nhân dân ta từ lâu đời. 
 
Chúng ta nên ý thức rằng, không phải chỉ có ngày rằm tháng Bảy mới là ngày Vu lan báo hiếu, mà ngày nào chúng ta cũng phải hiếu kính với ông bà cha mẹ. Đó mới đúng với ý nghĩa Vu lan trọn năm, Vu lan miên viễn; vì tâm hiếu hạnh của một người con chí hiếu vượt ngoài không gian và thời gian vô tận. Vu lan đến từng ngày, từng giờ trong lòng những người con hiếu thảo! 
 

Một thi sĩ đã làm bài thơ rằng: 
"Lên núi nhớ ơn cha, 
 Xuống sông thương tình mẹ. 
 Ôi non cao vời vợi, 
 Ôi sông rộng bời bời. 
 Hai vai con mang nặng, 
 Từ vô lượng kiếp rồi. 
 Ơn cha và nghĩa mẹ, 
 Lặn hụp biển luân hồi”. 

 
Tình cha nghĩa mẹ đối với con rất đậm đà, sâu lắng, không giới hạn. Có những lúc trong đời, vì chạy theo cuộc sống vật chất mà chúng ta quên nghĩ đến cha mẹ. Nhưng khi gặp khó khăn thất bại, bị cuộc đời vùi dập thì nơi góc trời xa yêu dấu, bỗng nhiên chúng ta nhớ đến cha mẹ và thương cha mẹ nhiều hơn. Con có thể quên cha mẹ chứ cha mẹ không bao giờ bỏ rơi con, dù còn nhỏ hay đã trưởng thành. Hình ảnh của cha mẹ luôn là điểm tựa vững chắc cho con bước vào đời. Từ vô thỉ kiếp đến nay, hai vai ta mang nặng công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ nhiều đời không thể tính được. 
 
Vì vậy, ngày Vu lan không những chúng ta tìm cách đền ơn cha mẹ hiện đời mà còn phải báo đáp công ơn của cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, “đa sanh phụ mẫu, thất thế phụ mẫu” bằng cách làm nhiều việc lành để hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền được bình an, phúc lạc trong Chánh pháp; còn cha mẹ đời trước được siêu sanh về cõi giới an lành. Đó mới đúng ý nghĩa báo hiếu trọn vẹn. Được phụng dưỡng cha mẹ là hạnh phúc bậc nhất của người con hiếu thảo. 
 
Nhưng cũng có người nuôi cha mẹ lúc đau bệnh bằng những lời nặng nhọc, “cực chẳng đã”, thật đáng trách lắm thay! Cha mẹ đau do thân bệnh thì ít mà nỗi đau trong tâm do bị con cái hất hủi thì nhiều. Thế nên, khi cha mẹ đau ốm là lúc để chúng ta thể hiện lòng hiếu kính một cách có ý nghĩa nhất. Không những vậy, chúng ta còn phải khuyến khích mọi người cùng giữ gìn đạo làm con cho tròn bổn phận. Xã hội hiện nay có nhiều chế độ đặc biệt như viện dưỡng lão, hội người cao tuổi… cho người già khỏi cảnh cô đơn, hiu quạnh khi tuổi về chiều; huống nữa là người Phật tử, chúng ta lại không nghĩ cách báo đáp thâm ân của ông bà, cha mẹ sao? Đây là điều mà tất cả mọi người phải tự suy gẫm và hằng ghi khắc vào tâm khảm của mình. 
 

"Mẹ còn là cả trời hoa, 
Cha còn là cả một tòa kim cương”. 

 
Cha mẹ cho con tình thương, hạnh phúc, giàu sang no ấm. Khi cha mẹ còn hiện hữu, cuộc đời này đẹp như một trời hoa, và chúng ta không phải sợ cảnh đói rách, cơ cực. Còn cha mẹ là còn được sự đùm bọc chở che, được nũng nịu như một đứa trẻ thơ dưới mắt cha mẹ. Hãy trân quý từng tấc bóng thời gian khi cha mẹ còn hiện hữu trên đời. 
 
Đối với người Việt Nam, Vu lan đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của dân tộc - truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Trong kinh Phật dạy: “Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật”. Như vậy, Đức Phật đã nâng địa vị cha mẹ lên ngang hàng với Ngài. Là Phật tử đến chùa học đạo, chúng ta phải biết ứng dụng Phật pháp một cách sống động vào cuộc sống đời thường, chuyển tải những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật vào đời, mang lại niềm an lạc, hạnh phúc cho mọi người và tự hoàn thiện nhân cách đạo đức của mình, sống đời hiền lương, hiếu kính ông bà, cha mẹ… 

Người xưa có câu: 
"Chùa là tổ ấm ta về, 
Chung tay vun đắp phước dày mai sau”. 

 
Sau những tất bật ngược xuôi giữa dòng đời, chúng ta về chùa tìm lại sự bình an, thảnh thơi, vững chãi trong đời sống tâm linh. Về chùa gặp thầy bạn cùng trao đổi đạo lý, kinh nghiệm tu hành, nghe tiếng kinh kệ ngân vang…, chúng ta mới thấy giá trị đích thực của đời sống tinh thần; như chim bay về tổ, tìm lại chút hơi ấm bên đấng cha lành. 
 
Hiếu hạnh là giá trị sống thấm đượm tính nhân văn cao cả. Người nào không nhớ đến nguồn cội của mình thì không xứng đáng là một con người chân chính. Tục ngữ có câu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Tất cả chúng ta khi thọ nhận một điều gì phải suy nghiệm rằng từ đâu mà có? Trong năm phép quán tưởng của người xuất gia mỗi khi thọ trai, phép quán tưởng đầu tiên là: quán thức ăn này từ đâu mà có, công của người đàn na thí chủ đem đến cúng dường nhiều hay ít. Rồi từ đó phát nguyện cố gắng tu hành thành tựu đạo nghiệp mới dám thọ nhận thức ăn này. 
 
Khi còn tại thế, Đức Phật từng dạy các Tỳ kheo: “Một vị Tỳ kheo nghỉ dưới một bóng cây vào buổi trưa hè nóng bức, khi rời bóng cây ra đi cũng phải nhớ ơn bóng cây đó đã che mát cho mình”. Đến những vật vô tri như thế mà Phật dạy còn phải nhớ ơn, huống nữa những trọng ân của thầy tổ, cha mẹ, tổ quốc, đàn na thí chủ, chúng ta nỡ quên sao? Trong cuộc sống tương quan tương sinh này, chúng ta thọ nhận rất nhiều ơn tình ơn nghĩa của mọi người quanh ta. Vì vậy, ngày Vu lan là dịp để chúng ta thể hiện tưởng niệm, hướng tâm về những thâm ân đó mà tìm cách đền đáp, dù chỉ trong muôn một. 
 
Hiếu đạo là chân lý thuộc về tục đế. Đông phương hay Tây phương đều phải giữ gìn hiếu đạo. Đó là bản sắc văn hóa đạo đức của nhân loại. Bất cứ đất nước nào, xã hội nào cũng khuyến khích người dân giữ gìn hiếu đạo. Tất cả mọi người đang hiện hữu trên cuộc đời này đều không được làm trái với luân lý đạo đức đó. Bởi vì: 

"Nước biển mênh mông, không đong đầy tình mẹ, 
 Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha”. 

 
Tình cha nghĩa mẹ không một giới hạn nào có thể đo lường được. Từ vô thỉ kiếp đến nay, nước mắt chúng ta khóc cha mẹ nhiều hơn nước trong bốn biển. Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, sữa mẹ mà các người đã uống trong khi các người lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài nhiều hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được. Lưu chuyển luân hồi của chúng sanh là trùng điệp nên không thể nêu rõ khởi điểm. Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc tất cả các nghiệp hành của chúng sanh”. 
 
Chúng sanh luân hồi trong nhiều đời nhiều kiếp, “tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung”, chịu nhiều khổ đau, do vô minh che đậy tánh giác mà tạo nghiệp thọ quả, không biết lúc nào ra khỏi. Trong vòng luân hồi sanh tử đó, chúng ta thọ ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, tính không thể hết! Đó là lý do ngày Vu lan chúng ta làm mọi công đức lành, hồi hướng cho cha mẹ nhiều đời quá khứ và hiện tại được an vui. 
 
Tóm lại, hiếu đạo là một trong những chuẩn mực đạo đức căn bản của xã hội loài người. Dầu con người có văn minh tuyệt đỉnh đến đâu, hiếu đạo vẫn không bị xem là “lỗi thời” mà luôn được tôn vinh và ca ngợi qua tất cả mọi thời đại, mọi xã hội. Hiếu hạnh là yếu tố định hình cho đời sống luân lý đạo đức, mang lại bình an, hạnh phúc, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội. 
 
Mỗi mùa Vu lan đến, chúng ta tổ chức thăm viếng, tặng quà cho đồng bào nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn…, tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ ý nghĩa đền đáp công ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tứ trọng ân…, thể hiện nếp sống “tốt đời đẹp đạo”, đem ánh sáng Phật pháp xây dựng thế giới hòa bình, phúc lạc. 

Thiền thất Viên Giác - TP.Nha Trang
Thích Thông Huệ
***

 

Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó. 
 
Thứ năm, ngày 10 tháng 11

Bố để ý là sáng nay, lúc cô giáo đến thăm, khi nói với mẹ, tôi có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ. Để cảnh cáo tôi, bố đã viết thư này. Đọc thư tôi xúc động vô cùng.

" Trước mặt cô giáo, con đã thiếu lễ độ với mẹ. Việc như thế không bao giờ con được tái phạm nữa. En-ri-cô của bố ạ! Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy! Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!...Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con. Hãy nghĩ xem En-ri-cô à!Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư? Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!

Hãy nghĩ kĩ điều này, En-ri-cô ạ: Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ.

Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luỵện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, đựoc mẹ dang tay ra đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khoẻ mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm cho mẹ đau lòng...Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu đã làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ...tất cả cũng chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó.

Từ nay, không bao giờ con được thốt ra một lời nói nặng với mẹ. Con phải xin lỗi mẹ, không phải vì sợ bố,mà do sự thành khẩn trong lòng. Con hãy cầu xin mẹ hôn con, để cho chiếc hôn ấy xoá đi cái dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con. Bố rất yêu con, En-ri-cô ạ, con là niềm hi vọng tha thiết nhất đời của bố, nhưng thà rằng bố không có con, còn hơn là thấy con bội bạc với mẹ. Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố: bố sẽ  không thể vui lòng đáp lại cái hôn của con được"

Bố của con"

(Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi, Những tấm lòng cao cả)

***

NGÀY VU LAN BÁO HIẾU SẼ LÀ NGÀY TINH THƯƠNG NHÂN LOẠI

Trong nhà trường, ngoài kiến thức căn bản, cần có một chương trình giảng dạy về lòng nhân đạo, tình thương yêu và cách thức để hình thành tình thương yêu đó trong mỗi cá nhân học sinh sinh viên. Ngày nay các học sinh sinh viên mất nhiều thời gian để trao dồi kiến thức với hy vọng sẽ đạt được ước nguyện của riêng mình. 
 
 

Thế  là một mà Vu lan nữa lại về!

  Cứ vào những ngày tháng 7 âm lịch cảm giác bồi hồi trong tôi lại dâng trào mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bồi hồi không phải như ngày nào chuẩn bị cắp sách đến trường, được gặp lại bạn bè, thầy cô giáo cũ hay là được làm quen thêm nhiều bạn mới. Mà từ nhiều năm nay cảm giác bồi hồi ấy vẫn sống mãi trong tôi, nó là niềm vui, và cũng nỗi niềm trăn trở về một cái gì đó to lớn lắm, cao đẹp lắm nhưng cũng giản đơn và bình bị lắm. Và nay, tôi xin chia sẽ những nỗi niềm ấy cùng những suy tư của cá nhân tôi nhân mùa Vu lan Báo hiếu.

  Tôi không rõ có tự bao giờ cái gọi là ngày vu lan báo hiếu. Khi còn bé, mỗi dịp vu lan về tôi thường hay theo mẹ lên chùa lễ Phật, những khi nghe quý thầy giảng về công ơn cha mẹ, ông bà thì tôi thấy khóe mắt mẹ tôi nhòa lệ.Và khi thấy mọi người cài hoa lên ngực áo, những đóa hoa màu hồng đỏ thắm và những đóa hoa màu trắng trinh nguyên đượm chút nao lòng, buồn tủi. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ ơi sao có người được cài hoa đỏ và có người được cài hoa trắng, vậy con cài cả hai bông được không mẹ? Mẹ tôi nở nụ cười hiền hòa bảo với tôi rằng: “Hoa màu trắng là đã mất cha mất mẹ, còn hoa màu đỏ là còn cha còn mẹ đó con ạ?”

  Và  thời gian cứ thế trôi qua những ký ức đó, hình ảnh những bông hồng và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má của bao người mà tôi đã được thấy vẫn theo tôi cho đến tận bây giờ. 

  Bây giờ lễ Vu lan cũng không khác gì so với trước, có chăng là hiện đại hơn, náo nhiệt hơn, nhưng phần lễ chính và nghi thức cài hoa hồng thì lúc nào cũng sâu lắng và tha thiết. 

  Song song với những nghi thức mang tính truyền thống đó, có  nhiều tự viện còn tổ chức phát gạo chẩn bần cho những người nghèo khó, đồng thời có nhiều nơi cũng tổ chức trai đàn kỳ siêu bạt độ chẩn tế cô hồn, mà ý nghĩa của nó gói gọn trong 4 chữ “Âm Siêu Dương Thới”, với ước nguyện cho thế gian này người sống được nhiều phúc lạc, còn kẻ đã qua vãng thì sớm được siêu sinh về những cõi an lành.

  Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, cuộc sống con người phần đông bị vật chất hóa, ý thức trách nhiệm về chữ Hiếu chỉ còn là khái niệm. Vì lẽ đó mà cần phải có một đại lễ Vu lan đúng với chức năng và ý nghĩa của nó. Vậy như thế nào là một lễ Vu lan đúng và đầy đủ ý nghĩa, phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại? Trong bài viết này, với ý kiến cá nhân tôi không dám lạm bàn chuyên sâu về một lễ Vu lan đúng nghĩa. Song ở đây tôi xin trình bày với nội dung là khơi dậy trong tự thân mỗi con người tình thương nhân loại thông qua ngày lễ Vu lan. Vì theo tôi lễ Vu lan không nên chỉ gò bó trong các tự viện, tịnh xá. Ngoài nghi thức truyền thống như tụng kinh, cầu siêu bạt độ, thuyết giảng giáo lý, hoặc cứu trợ từ thiện…v.v… nên chăng thông qua ngày lễ Vu lan này chúng ta hãy cùng nhau chung sức xây dựng thế giới hòa bình bằng chính tình thương trong nội tâm mỗi chúng ta, đồng thời hãy nâng ngày lễ Vu lan hàng năm thành Ngày Tình Thương Nhân Loại.

  Nói vậy không có nghĩa con người ngày nay không có tình thương, nhưng tình thương của con người bây giờ khác xa so với tình thương của xã hội ngày trước. Chúng ta thử nhìn lại xem, tại địa phương nơi chúng ta ở cách đây khoảng 10 năm về trước cuộc sống có thể nói là không khá giả giàu có như bậy giờ, nhưng tình thương giữa con người với con người trong cùng một làng xã rất thắm thiết. 

  Như  xóm tôi ở trước đây, mấy chục hộ dân mà chỉ có một cái tivi đen trắng, mỗi tối đến cả làng tụ họp để xem phim, xem hát cải lương, hát bội. Trong xóm có việc gì cần thiết thì nhà nhà đều sẵn sàng giúp đỡ. Nắm gạo củ khoai, bát cháo tuy đơn sơ, giản dị nhưng rất thơm vì nó được chia sẽ cho nhau bằng tình thương nhân loại. 

  Ngày  nay, nhà nhà đều có tivi, người người đều có xe gắn máy, không còn thấy cảnh vợ sinh con mà chạy khắp xóm để tìm mượn xe đạp như xưa nữa, nhưng rất tiếc bây giờ con người với con người nhìn nhau bằng đôi mắt dò xét, đố kỵ, phân biệt. Nhà cách nhà bằng tường cao đến vài mét, kín cổng cao tường là chuyện bình thường nhưng càng xa cách hơn khi đến nhà mà người đầu tiên gặp gỡ không phải là người chủ nhà thân thiện mà là một chú chó với đôi mắt rực lửa và tiếng sủa vang trời.

  Những sự khác biệt đó do đâu mà có? Do xã hội thay đổi ư? Xin thưa, xã hội thì vẫn thế, có khác chăng là hiện đại hơn, tân tiến hơn. Nhưng điều quan trọng không phải là do xã hội mà chính yếu là do tâm của con người. Do con người đã không còn tình thương, tình thương bị biến thành một thứ hàng hóa phi vật thể có khả năng cân, đo, đong, đếm được. Chúng ta nhớ lúc nghèo khổ, hoạn nạn thì một ly nước, một bát cháo cũng chia làm đôi thậm chí làm tư làm tám, còn bây giờ “giàu đổi bạn sang đổi vợ”. Xã hội có bắt buộc chúng ta thay đổi như thế không? Nếu không, thì vì lý do nào? Phải chăng là do tâm con người thay đổi?!

  Nhưng do đâu mà tâm con người thay đổi? Theo tôi, đó là do sự thiếu vắng tình thương trong tâm mỗi con người! Chính sự thiếu vắng tình thương này làm  nguyên nhân khiến con người bán rẻ lương tâm, giam lỏng và bóp chết tình thương nhân loại trong ngục tù của ích kỷ cá nhân. Nó cũng chính là hàng rào ngăn cách sự kết nối tình thương giữa mỗi thành viên trong gia đình, giữa con người trong cùng một xã hội và trên toàn thế giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến gia đình không còn hạnh phúc, xã hội mất an ninh và thế giới bị nhấn chìm trong chiến tranh khủng bố.

  Ngày nay, vì để bảo vệ cho một quan điểm sai lầm mà bất chấp thủ đoạn, mượn danh nghĩa của một đấng siêu hình nào đó tiến hành bao cuộc chiến tranh tang thương, chết chóc. Cũng thế, vì quyền lợi cá nhân mình mà bất chấp mọi thủ đoạn kể cả luật pháp quốc tế, tiến hành nhiều thủ đoạn với ý đồ muốn xâm chiếm và thôn tính các quốc gia nhỏ bé khác gây mất tình hữu nghị lân bang. Những việc làm này chỉ có thể xuất phát từ ý đồ của một kẻ mất hết tình thương hoặc vả chăng là một tập thể của những người có chung ý tưởng điên rồ như vậy. Thật đáng buồn thay!

  Điểm qua vài nét đáng chú ý trong xã hội bây giờ cũng như sự khác biệt của xã hội trước đây, không ngoài mục đích là đánh thức tình thương nhân loại trong tâm cá nhân mỗi người. Hãy yêu thương không chỉ riêng gia đình mình mà hãy đem tình thương này chan trải khăp tinh cầu, để con người biết yêu thương nhau, biết sống chan hòa, biết giữ gìn và dựng xây thế giới thanh bình hạnh phúc.

  Để làm được như vậy việc đầu tiên là cần phát khởi một tình thương cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho bạn bè mình, cho dân tộc mình, cho quốc gia mình. Vậy phát khởi như thế nào? Và nương vào đâu để phát khởi tình thương ấy? 

  Chúng ta có ngày lễ Vu lan, ngày mà lòng đại từ bi được biểu hiện bằng những hành động cụ thể. Hãy nương vào ý nghĩa của ngày lễ Vu lan này mà nhìn lại mình, nhìn lại xem tình thương của mình đang nằm ở chổ nào? Mình đã khởi lên giai điệu tình thương trong tâm hồn mình chưa? Mình đã đem giai điệu tình thương này hiến dâng cho cha mẹ, cho gia đình cho những người mình yêu thương chưa? Nếu chưa thì bạn cần nên suy ngẫm lại và nhận diện cho được chổ ẩn núp của tình thương trong chính mình. 
 
  Như vậy đến với lễ Vu lan, không đơn thuần chỉ là tham dự một buổi lễ mang đậm nghi thức Phật giáo như lễ Phật, cúng dường, cài hoa.v…v… mà cần nên để tâm theo lời kinh nhịp nhàng ngân vang tựa như giai điệu tình thương trong tâm mình đang trỗi dậy. Và hãy ngồi thật thanh thản lắng nghe lời thuyết giảng của quý thầy, để thấy rằng mình cần phải nổ lực nhiều hơn, cần phải đem tình thương mình có được dù là bé nhỏ chia sẽ đến mọi người. Bởi vì tình thương cao cả là tình thương khi biết dành cho tất cả!

  Chúng ta hãy quán tưởng rằng, từ vô lượng kiếp sống đến nay, vô số chúng sinh từng là cha mẹ của chúng ta và ngược lại. Nghĩ đến sự khổ nhọc của cha mẹ “Ba năm bú mớm ẵm bồng, mười tháng cưu mang dưỡng dục”, lúc chúng ta còn nhỏ cũng như đã trưởng thành, cha mẹ đã khổ cực, hy sinh tất cả cho chúng ta như thế nào? Và trong kiếp sống này, dù người đó có là một kẻ ăn xin hay một người giàu có, dù cho người đó có là một tín đồ của một tôn giáo khác, dù là da trắng, da đen hay da màu, dù ở châu Á hay châu Âu, châu Phi hay châu Mỹ, tất cả thủy chung cũng đã từng có quan hệ huyết thống với chúng ta, đã từng là cha là mẹ, là chồng vợ, con cái, anh chị em của chúng ta. Vì thế hãy thương họ như thương chính bản thân chúng ta. Đừng khởi lên ý niệm phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo tín ngưỡng, đường khởi lên tâm niệm thân sơ, đừng khởi lên sự phân biệt hèn sang mà hãy cùng thương yêu nhau, như yêu những gì quý giá nhất của chính mình.

  Qua ngày lễ Vu lan này, chúng ta có thể viết cho cha mẹ chúng ta một lá thư (nếu chúng ta chưa thể nói trực tiếp với cha mẹ chúng ta), lá thư đó chúng ta viết để ca ngợi công ơn cha mẹ chúng ta và bày tỏ lòng yêu thương của chúng ta đối với cha mẹ, đồng thời phát nguyện từ nay và mãi về sau con sẽ vâng lời và biết yêu thương cha mẹ, biết tự chăm sóc cho bản thân, biết chăm ngoan học hành, biết giúp đỡ cha mẹ ông bà, yêu thương hòa thuận vói mọi người…vv…Và rồi sáng nay trước khi đi học, chúng ta nhẹ nhàng đặt lá thư trên bàn (nơi cha mẹ chúng ta hay ngồi vào mỗi buổi sáng) và trân trọng đặt lên trên lá thư đó một đóa hoa hồng với lời chúc cha mẹ mạnh khỏe, cùng dòng chữ “con yêu cha mẹ rất nhiều”!

  Hay là, hôm nay chúng ta đến lớp, với ý nguyện sẽ giúp và nâng đỡ một bạn trong lớp chúng ta học tốt hơn. Chúng ta chủ động đến và tận tình chia sẽ giúp cho bạn vượt qua những khó khăn trong học tập, và hình thành nên “đôi bạn học tốt” trong học đường.

  Hoặc là, hôm nay chúng ta đến công ty, và chúng ta biết rằng trong công ty chúng ta có một đồng nghiệp đang gặp khó khăn, chúng ta nên chủ động ân cần chia sẽ, hỏi thăm và cố gắng tìm cách cùng nhau giải quyết khó khăn, dần dần chúng ta cũng hình thành nên “đồng nghiệp cùng tiến” và nhân rộng ra trong khắp công ty chúng ta và cả công ty bạn. 

  Có  rất nhiều cách để khơi dậy và thực hành tình thương trong mỗi chúng ta, từ những việc tưởng chừng như rất nhỏ nhưng nếu nghiêm túc thực hành thì kết quả không thể nghĩ bàn. Điều quan trọng của sự thành công là lòng kiên trì bền bỉ nhẫn nại, tận tâm, đừng nên làm cho có phong trào, hoặc làm theo cảm hứng thì sẽ không hay.

  Trong nhà trường, ngoài kiến thức căn bản, cần có một chương trình giảng dạy về lòng nhân đạo, tình thương yêu và cách thức để hình thành tình thương yêu đó trong mỗi cá nhân học sinh sinh viên. Ngày nay các học sinh sinh viên mất nhiều thời gian để trao dồi kiến thức với hy vọng sẽ đạt được ước nguyện của riêng mình. Nhưng đáng buồn là rất ít trong số đó có nhận thức tốt về đạo đức cá nhân, về tình thương đồng loại. Hình như bây giờ trong trí óc họ chỉ tồn tại chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng hưởng thụ mà thôi. Nếu thế thì dù có là bác sỹ, kỹ sư hay một nhà khoa học đi nữa chúng ta cũng không thể nào làm lợi ích cho mọi người mà ngược lại chúng ta tự chôn sống chúng ta trong ngục tù của chủ nghĩa cá nhân thực dụng ấy.

  Đối với các tự viện, tịnh xá nên hướng cho các Phật tử tại gia ý thức rõ về tình thương, hay đúng hơn là lòng đại bi theo tinh thần vô ngã của Đức Thế Tôn. Đặc biệt là đối với thế hệ thanh thiếu niên cần tạo cho các em một sân chơi đầy tình thiết thực như chương trình “mỗi ngày một việc tốt ở gia đình, trong lớp học hay trong công sở”, tận dụng phương tiện truyền thông đại chúng như internet phát sóng các mẫu chuyện mang tính cách nhân đạo (như chương trình Radio online “Sắc màu Phật pháp” của chùa Hoằng Pháp), đề cao tình thương giữa con người với nhau, qua câu chuyện đó các em sẽ rút ra cho mình bài học gì? Và gửi về cho quý thầy, sau đó bài nào viết hay, có ý nghĩa sẽ được quý thầy phát sóng và biểu dương trong các chương trình sau. Đồng thời nên tổ chức các chuyến từ thiện đến các vùng xa, vùng khó khăn, đến những trung tâm của người tâm thần, người bệnh ung bứu, bệnh phong, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em bị nhiễm chất độc màu da cam, bị nhiễm bệnh HIV.v…v.. để các em có dịp chứng kiến cụ thể về mảnh đời bất hạnh không may trong cuộc sống thông qua đó giúp các em có ý thức hơn về tình thương và trách nhiệm của các em đối với việc giúp đỡ người khác.

  Việc làm này đòi hỏi phải có sự quyết tâm, quán triệt tinh thần vô ngã toàn diện, khéo léo kết hợp hài hòa giữa đạo và đời hình thành nếp sống tình thương trong từng gia đình Phật tử và nhân rộng ra toàn xã hội. Nếu làm được như vậy của sống mới thật sự hạnh phúc, nhà nhà an vui trong tình thương nhân loại, người người đến với nhau cũng bằng tình thương nhân loại, tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới cũng được hình thành trên căn bản tình thương nhân loại. Vậy là ước mơ thế giới hòa bình chỉ nằm trong một ý niệm tình thương

  Ngày nay đứng trước thảm họa thiên tai, chiến tranh trên toàn thế giới, mỗi cá nhân phải càng nỗ lực nhiều hơn để khơi dậy và thực hành tình thương để xóa đi phần nào đau khổ của thế gian. Đồng thời chúng ta nên nâng cao và tán dương những hành động mang đầy tính nhân đạo, nhân ái tràn đẩy tình thương của mỗi cá nhân, tập thể, và qua đó mỗi cá nhân hãy nên ý thức, tỉnh giác trong từng lời nói, hành động và ý nghĩ để tình thương nhân loại ngày một thăng hoa, để ngày Vu lan Báo hiếu của dân tộc trở thành ngày tình thương của nhân loại. Hy vọng ngày lễ Vu lan năm nay và những năm sau sẽ có nhiều nét đổi mới, không chỉ về hình thức, nội dung, không chỉ bó buộc trong các tự viện tịnh xá, không chỉ là ngày của riêng người Phật tử Việt Nam, mà nó sẽ là ngày hòa bình chung của toàn thế giới. Cầu nguyện một mùa Vu lan đầy ý nghĩa trong sự hoan hỷ của chư Phật mười phương, và nguyện cầu thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Tác giả bài viết: Minh Vương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây