LỄ VU LAN BÁO HIẾU TỊNH XÁ PHÚ CƯỜNG

Chủ nhật - 09/09/2012 07:29   Đã xem: 2591
Hướng về ngày lễ thiêng liêng này, hòa chung với không khí Vu Lan Báo Hiếu trên khắp cả nước, sáng ngày 28/08/2012 (nhằm 12/ 7 năm Nhâm Thìn), Tịnh xá Phú Cường long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu với chủ đề ĐÔI GÁNH SỜN VAI ...
Chủ đề: ĐÔI GÁNH SỜN VAI
 
 
  Cách đây hơn 2500 năm, duyên khởi từ câu chuyện có thật thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Tôn giả Mục Kiền Liên tuy là bậc thần thông đệ nhất nhưng phải nương nhờ định lực và chú nguyện của thập phương chư Hiền Thánh Tăng mới cứu mẹ thoát khỏi khổ cảnh, “Vu Lan Báo Hiếu” đã ra đời như một nhắc nhớ thiêng liêng về tinh thần hiếu đạo, cái đức để thành người và con đường cứu khổ cho kiếp nhân sinh đang trầm luân trong lục đạo – con đường Giới – Định – Tuệ mà đức Phật đã chỉ dạy.
 
  Ngày nay, đã đi vào nếp nghĩ dân gian, trở thành văn hóa, truyền thống dân tộc, “Vu Lan Báo Hiếu” vẫn tiếp tục hòa mình vào thời đại với những giá trị thiêng liêng: hướng về nguồn cội, biết ơn, báo ơn và tình thương đại đồng khắp tha nhân, cùng pháp giới. Đó là Tam Bảo, chư hiền Thánh Tăng tử đạo, đàn việt tín thí, anh linh đồng bào chiến sĩ, chân linh cửu huyền thất tổ, cha mẹ hiền tiền quá vãng… Ước vọng của Vu Lan vẫn đang chảy vào lòng cuộc sống, vào thời đại, dẫu với hình thức nào, phương tiện nào đối với những người con Á Đông.
Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm sẽ là cầu nối cho bao trái tim nghĩ về nhau, nguyện cho nhau được an lành, hạnh phúc, được giải thoát, siêu sinh. Và, dù là nền luân lí nào, từ đông sang tây, chữ hiếu luôn được coi trọng, muôn ngàn kinh sách đều lấy hiếu hạnh làm đầu. Khi con cái hiếu kính cha mẹ thì mọi việc đều thành tựu tốt đẹp. Trái lại, con bất hiếu thì sẽ mất tất cả, thế nên đức phật dạy: tội ác lớn nhất không gì bằng bất hiếu. Điều thiện lớn nhất không gì bằng có hiếu.
 

  Hướng về ngày lễ thiêng liêng này, hòa chung với không khí Vu Lan Báo Hiếu trên khắp cả nước, sáng ngày 28/08/2012 (nhằm 12/ 7 năm Nhâm Thìn), Tịnh xá Phú Cường long trọng tổ chức đại lễ Vu Lan Báo Hiếu với chủ đề ĐÔI GÁNH SỜN VAI trong niềm xúc cảm bồi hồi của hàng tín chúng, Phật tử gần xa từ khắp các nơi tụ hội về. Chủ  đề  ĐÔI GÁNH SỜN VAI là tôn vinh  lên các đấng sinh thành đã gánh con trên vai bao nỗi nhọc nhằn của cuộc đời mưu sinh, bằng tình yêu thương vô bờ bến. Cái đòn gánh vô hình hay hữu hình đã oằn cong trên vai Cha, vai Mẹ, đã làm bạc màu, sờn vai bao chiếc áo để gánh vác lo toan cho đàn con được có cơm ăn, áo mặc, được đến trường, vượt qua được những thăng trầm của cuộc sống, qua những biến động của xã hội. Chính vì thế, trong mùa Vu lan hiếu hạnh này là mùa tôn vinh  sự hy sinh cao cả của những người Mẹ, người Cha và thể hiện tấm lòng hiếu kính của những người con đối với công ơn sanh thành của cha , của  mẹ. 

   Những ngày tháng 7 ở Tây nguyên, khi mưa rừng chưa dứt hẳn, người ta tạm quên đi những vất vả của mưu sinh để hướng về đại lễ Vu Lan báo ân, báo hiếu. Chiều ngày 28/8/2012- 12/7/Nhâm Thìn, hàng tín chúng, phật tử gần xa đã hội tụ về tham dự buổi lễ. Trong buổi lễ ĐĐ: THÍCH GIÁC DUYÊN đã thuyết giảng cho bà con phật tử về công ơn của cha mẹ và làm con phải báo hiếu cha mẹ.


  Ngay sau đó là nghi thức “Hoa hồng cài áo”. Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa cao quý, thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962. 
 
  Để làm mọi người hiểu hơn về điều này, chính bản thân Hòa thượng đã làm lễ cài Bông hồng đầu tiên cho Tăng Ni và Phật tử ở chùa Pháp Hội, Sài Gòn. Từ đó các  chùa và các tổ chức Gia đình Phật tử đã nhân rộng thành lễ cài Bông hồng trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu như hiện nay. Từ đó, Lễ cài bông hồng xem là một nghi thức báo hiếu quan trọng đối với những người con Phật và cả những người tham dự. Chúng ta hãy cùng có những giây phút lắng đọng tâm tư để nghe bài diễn văn về công ơn trời biển của 2 đấng sinh thành và  ý nghĩa lễ Hoa hồng  Cài áo.

Trong giai điệu và ca từ nhẹ nhàng sâu lắng “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một bông hồng cho những ai/ Cho những ai/ đang còn Mẹ/ đang còn Mẹ/ để lòng vui sướng hơn…”  trang nghiêm từng bước hướng về lễ đài, thành kính cài lên huỳnh y của chư tôn đức những đóa hoa hồng vàng, biểu trưng cho tình thương thoát tục; và tín chúng Phật tử cũng được  cài hoa lên áo.

  Làm sao ngăn được dòng lệ cứ ứa ra, lăn dài trên gương mặt những người tham dự. Bởi nếu mai này mẹ hiền có mất đi/Như đóa hoa không mặt trời/Như trẻ thơ không nụ cười/Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/Như bầu trời thiếu ánh sao đêm. và Chiều nay con chợt nhớ quê xưa, nhớ mẹ cha nơi mái nhà thân thương, lòng bùi ngùi bước đi trong khoảng vắng của bao tháng ngày bôn ba. Và khi được làm cha, làm mẹ con mới thấu hiểu phần nào công ơn trời bể của mẹ cha. Sẽ chẳng có ngôn từ nào  có thể diễn tả được sự hi sinh tột cùng ấy. Có mang nặng đẻ đau từng tháng, từng ngày mong ngóng đứa con thơ cất tiếng khóc chào đời, con mới biết mẹ đã phải chịu đắng cay đén nhường nào: Mẹ sinh con cưu mang 10 tháng/cực khổ dường ganh nặng trên  vai/ uống ăn chẳng đặng vì thai/ cho nên thên thể hình hài kém suy/ khi sinh sản hiểm nguy chi siêt, sinh đặng rồi tinh huyết dầm dề/ giống ngư thọc huyết trâu dê, /nhất sanh, thập tử nhiều bề hiểm nguy. Cha ơi, mẹ ơi. Hôm nay con về đây, xin cho con được quỳ xuống để nói lời tri ân và tạ  tội.
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha

Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn
Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con
Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghen con
”. 
  Nếu còn mẹ còn cha xin bạn hãy vui lên, bạn hãy tự hào rằng mình hãy còn một vùng trời hạnh phúc. Hãy trân trọng cài lên ngực áo của nhau một đóa hoa hồng, màu hồng của sự thương yêu như màu máu trong tim mà cả một đời cha mẹ đã vắt kiệt một đời vất vả, hi sinh vì ta tất cả. Màu ấy như một màu nhắc nhở rằng phải nhớ về nguồn cội về thâm ân to lớn của mẹ cha, nên ta phải gắng phụng dưỡng đáp đền. Màu hồng nhớ, màu hồng thương, một màu hồng như gói trọn vấn vương, bởi những lo lắng tảo tần suốt một đời cho ta, vì ta tất cả. Xin bạn hãy giữ  đừng bao giờ làm phai nhạt, như ấp ủ nâng niu tình thương yêu của hai đấng sinh thành. Nếu bạn bất hạnh vì cha mẹ mất, xin hãy lặn lẽ cài lên ngực áo của mình đóa hoa buồn trinh trắng. bạn hãy cài hoa và khấn nguyện về cha mẹ mình với những gì cao cả và thiêng liêng bạn nhé.
 
 
    Bài diễn đọc sâu lắng về ý nghĩa cài hoa hồng với những suy tưởng, hồi ức về tình thương và đức hy sinh to lớn của cha mẹ do cô mai thị nguyệt, hiệu trưởng trường THCS LƯƠNG THẾ VINH, đã khiến cả hội chúng vô cùng xúc động. Bài diễn đọc đã nhắc nhở mọi người hãy tỉnh thức giữa những hư danh, vô thường, mong manh của kiếp người mà quay về với cái thường hằng, vĩnh cửu là tình thương của cha mẹ để tri ân và báo ân.
Cha mẹ sinh thân cốt nhục cù lao. Phật tổ nuôi mang tinh thần khó nhọc. Ân đức ấy cao sâu khó tả. Dù suốt kiếp người con trả vẫn chưa xong. Kính bạch chư tôn thiện đức chứng minh! Để tưởng nhớ đến ân đức của chư phật, công ơn hoằng pháp của đại đức, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ơn đất nước đồng bào, ơn chúng sinh vạn loài, ơn hi sinh cao cả của bao vị thánh tử đạo, cá bậc tiền bối có công, anh linh chiến sĩ đồng bào đã vì nước quên thân cho hào bình, hạnh phúc của muôn loài. Trong giờ phút linh thiêng ấy, quý sư cùng đại chúng đã cùng đứng lên chắp tay trang nghiêm t thành kính, lắng đọng tâm tư, nhất tâm tưởng niệm.
 
Lời bài hát NKCM VÀ NHỮNG ĐIÊU MÚA nhẹ nhàng của các em phật tử đã đưa toàn thể hội chúng chìm vào những tâm tư đầy yêu thương và giàu lòng hi sinh  của mẹ khi mẹ dõi theo sự lớn khôn của người con, ca khúc “Nhật ký của Mẹ” đã từng khiến không ít bạn trẻ xúc động đến rơi nước mắt… Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung  đã tâm sự:Tôi đã viết bài hát này với tất cả sự kính yêu dành cho Mẹ! Nếu bạn có thời gian để nghe và chiêm nghiệm từng lời từng chữ trong bài hát này, có lẽ nước mắt rơi lúc nào các bạn cũng không hề biết đấy!

 

  Để lại nhiều suy nghiệm và ấn tượng sâu đậm trong lòng người là “Tấm gương hiếu hạnh, TỪ BI” của Phật tử TƯ PHƯỚC - ở xã chư Hdrông, tp Pleiku tỉnh GIA LAI. Người khác thấy kẻ điên thì sợ, tránh xa, nhưng anh Phước, một người lái xe chở vật liệu xây dựng ở Pleiku, Gia Lai, lại đón họ về nhà, chăm nuôi như con ruột. Việc thiện ấy xuất phát từ tâm đạo hạnh, anh đã âm thầm làm hơn chục năm qua. Những người tâm thần dù ở với người thân luôn lồng lộn, quậy phá, nhưng khi về với anh Phước không hiểu sao lại hiền hẳn ra, chấp hành vệ sinh, tự vệ sinh cho bản thân, bệnh có nhiều chiều hướng tiến bộ, đã có người khỏe hẳn được thân nhân đón về. Nhưng tấm lòng của anh đối với người điên thật đáng quý. Anh đã coi họ như cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của mình vậy. Câu chuyện của anh làm mọi người đi từ ngạc nhiên đến cảm phục. Nó còn giúp ta liên tưởng đến kinh Vu Lan, khi đức Phật quỳ lạy đống xương khô ven đường. Bởi Phật tổ đã thấu suốt rằng:’Đống xương khô này là của cửu huyền thất tổ hoặc ông bà cha mẹ ta trong vô số nghìn muôn ức kiếp về trước nên ta phải lạy”.


  Xen lẫn trong chương trình còn có nhiều tiết mục văn nghệ để lại nhiều xúc cảm trong lòng người về tình cha nghĩa mẹ: ca khúc “Tình cha” ,“ niềm vui vu lan”, các tiết mục múa: lạy phật Quan Âm, lời ru âu lạc, và các tiết mục ngâm thơ: Đức Phật dạy nhớ ghi lời cha mẹ, chùa tôi…….mà các phật tử biểu diễn thành tâm cúng dường chư phật cùng cha mẹ. 
 
 
Đằng sau sự thành công của mỗi người đều có bóng dáng của những người cha, người mẹ. Mẹ cha ta vẫn đôi vai gầy gánh nặng mưu sinh, khuôn mặt dãi dầu sương gió để nuôi ta khôn lớn. Một ngày con chợt nhận ra đôi vai cha.vai mẹ đã chai sạn dần đi, chiếc áo bạc màu với nhiều mảnh vá , bước chân đi ngày càng mỏi mệt hơn bởi những hy sinh âm thầm. vậy mà những nhọc nhắn vẫn còn đó. Xin được tôn vinh lên đấng sinh thành đã, đang còn tất bật với gánh nặng cơm aó gạo tiền để lo cho con, cho cả gia đình.
Những phần quà nhỏ của BTC dâng tặng các bậc cha mẹ tuy nhỏ nhưng thật ấm áp ân tình. Điều này nhắc nhở mọi người, dù ở đâu, làm gì, thì cũng hãy luôn hướng về ân sâu của cha mẹ.
 
Cho đến muôn đời, chúng ta vẫn luôn cảm động trước tấm gương hiếu hạnh của bồ tát Mục Kiến Liên. Noi gương ngài, rất nhiều người con đã chăm ngoan học hành, nỗ lực làm việc, sống hiền thiện để báo đáp cha mẹ. Những phần quà cùng tràng pháo tay dành cho những người con hiếu hạnh đã làm ấm lòng các bậc làm cha mẹ. Cha mẹ ơi, hãy tin rằng chúng con đã thấu hiểu công ơn trời bể mà cha mẹ dành cho chúng con. Và chúng con nguyện sống hiếu hạnh để đáp đền.  Và và rồi tâm sự nghẹn ngào của em kpa Duyên đã khiến cả  hội chúng xúc động.
 

Công lao cha mẹ biển trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con. Vậy mà đã có  những người con làm buồn lòng cha mẹ: có người con ân hận tâm sự“Mỗi khi đến ngày rằm tháng bảy, là tôi lại nhớ đến cha mẹ, nhớ đến công lao của mẹ cha mà lòng cảm thấy hối hận vì những việc mình làm khi còn trẻ. Khi còn trẻ mình không nghĩ đến những nhọc nhằn mà cha mẹ oằn lưng buôn bán tảo tần, kể cả phải nhịn đói cho con có cơm ăn, chịu lạnh cho con được ấm.Những hi sinh đó diễn ra hàng ngày, nhưng mình lại chẳng quan tâm mà còn hỏi cha mẹ phải chiều chuộng. Những gì mình không thích, trái ý là giận hờn, không ăn cơm, khóc lóc đòi cho bằng được... Bây giờ khi cha mẹ đã đi xa, mình mới cảm thấy rất bất hiếu với đấng sinh thành”. Ai đã sống vô nghĩa, bất hiếu, để mẹ cha đau khổ suốt canh tàn, hãy trở về với ánh sáng từ quang, noi gương hiếu Mục kiền Liên Bồ Tát. Vì:
“ cha mẹ thương con tựa đất trời/ làm sao báo đáp được người ơi/ nếu không có hiếu đừng bất hiếu/ bất hiếu làm ta khổ muôn đời”.  Cha mẹ đã vì ta mà chịu nhiều gian khổ, lặng thầm nuôi con đến ngày khôn lớn, đôi lưng oằn cong cho chúng con được đứng thẳng người. Vậy nên, chúng con dù  có khóc cạn khô nước mắt cũng không thể nào thấu tình cha mẹ; dù cho chúng con có trải mật, phơi gan cũng không sao đền hết ân cha .xin được nương theo lời kinh vi diệu với tấm lòng thành kính, quay về sóng và thực hành lời Phật dạy, làm tất cả công đức lành, lấy hiếu đạo trang nghiêm tự thân, sông có ích cho mọi người, làm tất cả những hành động, lời nói, ý nghĩ tốt đẹp.Đó mới là lời tri ơn chân thành dâng lên hai đấng sinh thành.
‘Cha mẹ ơn thâm tợ đất trời
Thương con nuôi dạy chẳng đầy vơi
Mở vòng tay rộng vì con trẻ
Hướng dẫn con đi suốt cuộc đời’.
 
 
  Vu Lan về... Trong con là nỗi nhớ và hồi tưởng...!. Thật vậy, ngày Vu Lan báo hiếu gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh thật cảm động của Đức Phật được ghi trong kinh "Báo phụ mẫu ân", và đó cũng là tấm gương hiếu hạnh cho hàng Phật tử chúng con noi theo trên vạn nẻo đường đời. "lễ Vu Lan không chỉ là ngày hôm nay và quý Phật tử nên xem tất cả các ngày điều là lễ Vu Lan để hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ. Có như vậy mới phần nào đền đáp được công ơn giáo dưỡng của hai đấng sinh thành". âm hưởng của lễ Vu lan như sẽ còn đọng mãi, sâu lắng lòng người để tất cả những người con đều chạnh lòng nghĩ tưởng đến cha mẹ và ý thức nhắc nhở mình cần phải sống sao cho tốt đẹp, dù đấng song thân hiện còn hay đã khuất...
  Lễ Vu lan Báo hiếu Pl 2556 tại TX PC   đã hoàn mãn trong không khí ấm áp nghĩa tình mẹ cha. Cầu chúc an lành, luôn được sống trong sự che chở của 10 phương chư Phật, và trong tình thương ấm áp của mẹ cha.
 
  Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

Tác giả bài viết: NGỌC CHI

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây