***
NGÀY TU HỌC THỨ BA (NGÀY 4 THÁNG 7 NĂM 2025)
Buổi sáng ngày thứ ba tại khóa tu Mùa Hè lại bắt đầu với thời khóa tụng kinh sáng sớm và hoạt động thể chất tập thể cho các tu sinh. Ngày tu học thứ ba nổi bật với những bài giảng pháp ý nghĩa và chia sẻ có giá trị thiết thực trong cuộc sống từ các quý Sư, quý Sư Cô.
Sau bữa sáng nhẹ, các tu sinh được lắng nghe bài pháp thoại có chủ đề "Thay Đổi Tầm Nhìn, Thay Đổi Tương Lai” từ sư Giác Minh Tấn. Với cách nói chuyện hóm hỉnh và các ví dụ thân thuộc với các bạn trẻ, Sư đã đưa giáo lý đạo Phật tưởng chừng xa vời trở nên gần gũi tới các em. Theo sư để có một cuộc sống an lạc, điều cốt yếu là “Phải thay đổi tầm nhìn”. Khi tầm nhìn bị "vô minh che lấp" – giống như đeo kính râm đi trong đêm tối, ta không thể thấy rõ bản chất vạn vật. Bởi lẽ "nhất thiết duy tâm tạo", thế giới và cảm xúc của ta được định hình bởi chính tâm thức của ta. Vì vậy hãy ngừng những suy nghĩ tiêu cực và chấp nhận rằng ta không thể thay đổi người khác mà thay vào đó hãy thay đổi cách mình phản ứng với họ. Thay vì nhìn vào những gì người khác có, hãy biết trân trọng những gì mình đang sở hữu. Hãy nhớ rằng "trong nguy có cơ", tức là ngay cả trong khó khăn cũng tiềm ẩn cơ hội. Thất bại là điều tất yếu trên con đường dẫn đến thành công. Điều quan trọng là cách ta nhìn nhận và rút kinh nghiệm từ chúng. Ta cần thoát khỏi hội chứng nạn nhân và FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội), đồng thời buông bỏ những thứ vốn không thuộc về mình để mở ra những hướng đi tích cực mới. Bằng cách thay đổi góc nhìn và buông bỏ chấp niệm, bạn sẽ kiến tạo một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, sư đã phân tích rất kỹ về Tứ Vô Lượng Tâm (bốn trạng thái tâm thức cao thượng) mà ai cũng có thể tu tập:
- Lòng Từ và Bi: Khả năng đồng cảm sâu sắc với nỗi khổ đau của người khác và mong muốn giúp đỡ họ vượt qua khó khăn.
- Lòng Hỷ: Niềm vui mừng chân thành trước thành công và hạnh phúc của người khác, không chút ganh tỵ hay đố kỵ.
- Lòng Xả: Sự buông bỏ mọi sự so sánh, kỳ thị, phân biệt, đạt đến trạng thái tự do nội tại và an lạc.
Những lời giảng của Sư cũng chỉ ra rằng muốn có một tầm nhìn phóng khoáng, chúng ta cần Thay đổi cái đầu – tức là thay đổi tư duy. "Nhất thiết duy tâm tạo" – tâm mình như thế nào thì mọi sự vật hiện tượng sẽ hiện ra tương ứng. Để nâng cao tầm nhìn và giá trị bản thân, Sư Giác Minh Tấn đưa ra những giải pháp thiết thực:
- Đọc sách, báo, nghe giảng qua internet. Tuy nhiên, chúng ta cần biết chắt lọc thông tin kỹ lưỡng như câu chuyện “bắt rắn” trong kinh Phật – phải nắm được phần cốt lõi để không bị "cắn ngược lại".
- Tìm kiếm những người thầy tốt, bạn hiền: Để có thể học hỏi nhiều hơn và cùng nhau tiến bộ.
- Tìm hiểu về Phật Pháp: Con đường dẫn đến sự an lạc và trí tuệ.
Sư kết lại với thông điệp mạnh mẽ: "Cuộc đời thay đổi khi chúng ta thay đổi". Hãy "sống chậm lại, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn". Quan trọng là biến những tư duy, hành động tích cực thành biểu hiện thực tế, chứ không chỉ dừng lại ở biển hiệu. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, hãy đầu tư vào những giá trị tích cực ngay trong hiện tại.
Sau bài giảng sâu sắc của Sư Giác Minh Tấn, các khóa sinh có cơ hội lắng nghe buổi chia sẻ đầy cảm hứng của anh Châu Đức Tân về giá trị thay đổi tầm nhìn. Anh Tân đã kể lại hành trình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, luôn giữ vững cái nhìn tích cực dù anh sinh ra không được trọn vẹn như bao người khác. Câu chuyện của anh là minh chứng hùng hồn cho thông điệp: "Dù chúng ta có là một người như thế nào đi chăng nữa, chỉ cần chúng ta có một tầm nhìn rộng mở, một tầm nhìn tích cực thì chúng ta sẽ thay đổi giá trị của chính mình." Buổi chia sẻ khép lại với lời khẳng định sâu sắc: "Cuộc đời của mỗi chúng ta là một bức tranh. Tầm nhìn của mình chính là màu sắc mà mình tô lên bức tranh đó. Hãy chọn những màu sắc tươi sáng, rạng rỡ để bức tranh cuộc đời mình thật đẹp, thật ý nghĩa. Và Sư tin rằng, với một tầm nhìn đúng đắn, với sự nỗ lực và tinh tấn, các em sẽ kiến tạo nên một tương lai thật sự tươi sáng, thật sự hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh." Đó là lời nhắn nhủ đầy hy vọng từ Sư Giác Minh Tấn dành cho tất cả tu sinh.
Sau bữa trưa ấm cúng và thời gian nghỉ ngơi, các hoạt động tiếp theo của buổi chiều được tổ chức. Không khí buổi chiều hôm nay đã dịu mát và tĩnh lặng hơn, tạo điều kiện lý tưởng cho việc tiếp nhận những lời dạy quý giá. Đầu giờ chiều, tất cả cùng tập trung lắng nghe bài pháp thoại của Sư Giác Minh Hưng với một chủ đề vô cùng ý nghĩa và thiết thực: "Hãy học cách cảm ơn". Bằng giọng văn ấm áp và cách trình bày dễ hiểu, Sư đã mở ra một thế giới của lòng biết ơn, nơi mà hạnh phúc không phải là điều xa vời mà nằm ngay trong chính tâm hồn mỗi chúng ta. Sư Giác Minh Hưng nhấn mạnh rằng lòng biết ơn chính là cội nguồn của hạnh phúc. Nó không chỉ đơn thuần là những lời nói xã giao, mà ẩn sau đó là một tâm hồn sâu sắc, biết trân trọng và cảm nhận mọi điều xung quanh. Khi có lòng biết ơn, ta trở nên khiêm hạ hơn, biết yêu thương nhiều hơn và trân trọng từng phút giây hiện tại. Sư đã chỉ ra năm điều quan trọng mà chúng ta cần biết ơn trong cuộc sống:
Một là Ơn cha mẹ: Sư nhắc nhở rằng công ơn của cha mẹ bao la như trời biển. Họ là người đã ban cho ta sự sống, dạy ta những bước đi đầu tiên, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, từng giọt sữa và những cái ôm đầy tình thương. Sư nhắn nhủ: "Hãy biết ơn cha mẹ, đừng để lời nói làm cha mẹ buồn, đừng để sự thờ ơ làm ba mẹ thất vọng. Mỗi ngày, dù chỉ là một câu cảm ơn nhỏ cũng sẽ là ánh sáng sưởi ấm lòng cha mẹ."
Hai là Ơn thầy cô: Thầy cô là những người đã chắp cánh cho trí tuệ của chúng ta, như những ngọn đèn soi sáng con đường tri thức, như người chèo đò đưa bao thế hệ học trò cập bến bờ tri thức. Sư khuyên chúng ta hãy luôn kính trọng thầy cô, chào hỏi lễ phép và nói lời cảm ơn khi được dạy bảo. "Một ánh mắt biết ơn, một cúi đầu khiêm hạ cũng đủ làm ấm lòng người thầy", Sư nói.
Ba là Ơn bạn bè: Bạn bè là những người đồng hành trên bước đường khôn lớn, cùng ta chia sẻ niềm vui, nỗi buồn. Khi biết ơn bạn bè, ta sẽ trân trọng sự hiện diện của nhau hơn. Sư nhắc nhở: "Hãy biết ơn người bên cạnh ta khi buồn, đừng bao giờ quên người bạn từng nắm tay ta qua giông bão."
Bốn là Ơn cuộc sống: Sư dạy chúng ta hãy biết ơn mọi điều, dù là nhỏ bé nhất trong cuộc sống. "Khi biết ơn, ta thấy đủ; khi thấy đủ, ta sống an lạc." Lòng biết ơn giúp ta nhận ra giá trị của những điều tưởng chừng như hiển nhiên, từ đó tìm thấy niềm vui trong từng khoảnh khắc.
Năm là Ơn Tam Bảo: Sư Giác Minh Hưng nhấn mạnh lòng biết ơn đối với Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) – nơi nương tựa vững chắc cho những ai tìm về Chánh pháp. Sư giải thích rằng biết ơn Tam Bảo không chỉ là việc thắp nhang hay lạy Phật, mà quan trọng hơn là sống đúng theo lời Phật dạy là giữ gìn giới luật và thực hành tâm từ bi trong cuộc sống hàng ngày.
Bài pháp thoại của Sư Giác Minh Hưng đã gieo vào lòng mỗi khóa sinh hạt giống của lòng biết ơn, giúp các bạn nhận ra rằng hạnh phúc không ở đâu xa, mà sẽ có trong những ai có tâm hồn biết trân trọng và yêu thương.
Sau buổi pháp thoại lắng đọng và đầy ý nghĩa, không khí khóa tu lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết với màn hoạt náo vui nhộn do Sư Giác Minh Đông phụ trách. Các trò chơi không chỉ mang lại tiếng cười giòn tan mà còn là cơ hội để mỗi bạn trẻ thể hiện sự khéo léo, óc sáng tạo và tinh thần đồng đội. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của Sư, mọi người cùng nhau tham gia, quên đi những mệt mỏi và hòa mình vào không khí vui tươi, gắn kết. Đây thực sự là khoảng thời gian ý nghĩa, giúp các bạn nạp lại năng lượng sau những giờ học tập và lắng nghe pháp thoại, đồng thời tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình tu học của mình.
Sau bữa cơm tối, khi màn đêm buông xuống, không khí tại khóa tu bỗng trở nên huyền ảo và lung linh hơn bao giờ hết với chương trình Đêm Lửa Trại được mong chờ.
Ngọn lửa trại được thắp lên bùng cháy giữa không gian rộng lớn. Ánh lửa nhảy múa rực rỡ xua đi cái lạnh của núi rừng Tây Nguyên, mang đến sự ấm áp và gắn kết cho các tu sinh. Đây không chỉ là một ngọn lửa vật lý mà còn là biểu tượng của Hồn Lửa Thiêng – ngọn lửa của sự đoàn kết, của tình yêu thương và những giá trị tâm linh mà khóa tu muốn lan tỏa. Trong ánh lửa bập bùng, mọi người cùng nắm tay nhau, cảm nhận hơi ấm lan tỏa từ ngọn lửa và từ những trái tim hòa quyện. Những bài hát ca ngợi quê hương, tình bạn, và những khúc ca Phật giáo vang vọng, tạo nên một không gian vừa trang nghiêm, vừa gần gũi, khiến mỗi khóa sinh cảm thấy như được trở về với ngôi nhà tâm linh của chính mình. Các em nhỏ đến từ làng Tung Ke, khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc và với đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên đã mang đến những điệu nhảy văn hóa Tây Nguyên sống động và đầy ý nghĩa cho mọi người. Mỗi điệu múa là một câu chuyện, một phần hồn của núi rừng, của nương rẫy, của cuộc sống cộng đồng gắn bó. Tiếng cồng chiêng vang vọng, tiếng khèn bè du dương hòa cùng những bước nhảy uyển chuyển, dứt khoát đã đưa tất cả mọi người như lạc vào không gian đại ngàn hùng vĩ và cảm nhận được nét đẹp mộc mạc, hoang sơ mà đầy sức sống của văn hóa bản địa. Sự biểu diễn của các em không chỉ là một tiết mục giải trí mà còn là cầu nối văn hóa, giúp các khóa sinh hiểu hơn về sự đa dạng, phong phú của các dân tộc anh em trên mảnh đất Việt Nam. Qua những điệu nhảy, các em bé làng Tung Ke đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình.
Dưới ánh lửa trại bập bùng, khi ngọn lửa dần tàn, không gian bỗng trở nên lắng đọng hơn bao giờ hết, nhường chỗ cho những tâm sự từ đáy lòng. Sư cô Thích Nữ Liên Bảo đã cất lên tiếng nói, mang theo những lời chia sẻ đầy cảm xúc về Khóa tu Mùa Hè trong phần "Lửa tàn", khiến trái tim mỗi khóa sinh như rung lên từng nhịp. Khóa tu đã giúp những người trẻ, ban đầu có thể còn nhiều tổn thương và hoài bão, tìm thấy sự bình yên và kết nối dưới mái ngôi tịnh xá. Chỉ qua vài ngày ngắn ngủi nhưng đủ để mỗi người có những thay đổi tích cực: người sống vội biết dừng lại, người khép kín biết mở lòng, người vô cảm biết quan tâm, người đau buồn biết mỉm cười và biết yêu thương cha mẹ hơn.
Đêm lửa trại thực sự không chỉ là dịp để mọi người vui chơi, giải trí mà còn là khoảng thời gian để kết nối tâm hồn, chia sẻ yêu thương và cùng nhau chiêm nghiệm về những bài học ý nghĩa đã nhận được trong ngày. Ngọn lửa và những điệu múa đã cùng nhau thắp sáng một đêm hè đáng nhớ, để lại trong lòng mỗi người những kỷ niệm đẹp đẽ về tình huynh đệ, về sự sẻ chia và về những giá trị văn hóa không thể phai mờ.
Ngày thứ ba của khóa tu mùa hè đã trôi qua thật trọn vẹn với những giờ phút trang nghiêm, tĩnh tâm bên tiếng kinh kệ sáng sớm, những buổi học pháp thoại đầy ý nghĩa và những hoạt động tập thể giàu tính đoàn kết và sẻ chia.
***
NGÀY TU HỌC THỨ TƯ (NGÀY 5 THÁNG 7 NĂM 2025)
Ngày thứ tư của khóa tu mùa hè đã bắt đầu với một buổi sáng tràn đầy năng lượng và sự tập trung. Đây là ngày có một số hoạt động rất nổi bật của khóa tu là chương trình Thi kiến thức về Đạo Phật, Thi tài năng và Đêm hội hoa đăng tưởng nhớ công ơn cha mẹ.
Khởi đầu như thường lệ là thời khóa tụng kinh sớm, hoạt động tập thể dục và bữa ăn sáng thanh đạm. Sau đó, không khí học tập lại tiếp tục với buổi ôn tập Phật pháp do Sư Giác Minh Đông hướng dẫn. Quý Thầy đã cùng các em hệ thống lại những kiến thức, giáo lý đã được học trong những ngày qua. Các quý sư giải đáp những thắc mắc của các tu sinh và củng cố thêm hiểu biết về Phật pháp. Buổi ôn tập diễn ra trong không khí sôi nổi với sự tương tác tích cực từ các khóa sinh.
Điểm nhấn của buổi sáng là cuộc thi "Hồi Trống Pháp". Đây không chỉ là một cuộc thi kiến thức mà còn là sân chơi để các em thể hiện sự hiểu biết, tinh thần tự tin và sự nhanh nhạy của mình. Tiếng trống pháp vang lên tạo nên một không khí hào hứng và đầy kịch tính. Sư Giác Minh Đông, sư Minh Tấn hóm hỉnh và các vị Ban giám khảo đã tạo nên một cuộc thi vui vẻ, tràn đầy tiếng cười và kịch tính đồng thời chứa rất nhiều kiến thức bổ ích về Đạo Phật tới các tu sinh.
Sau buổi sáng học tập và thi đua sôi nổi, các em khóa sinh tiếp tục hành trình tu học vào buổi chiều sau thời gian dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.
Đầu giờ chiều, toàn thể khóa sinh tập trung tại hội trường trong không khí trang nghiêm để lắng nghe buổi pháp thoại đặc biệt từ Thượng tọa Thích Giác Duyên (Trưởng ban tổ chức khóa tu). Với giọng văn trầm ấm và đầy tình thương, Thượng tọa đã chia sẻ về những điều tưởng chừng giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc.
Thượng tọa bắt đầu bằng cách khơi gợi sự thấu hiểu và lòng biết ơn trong các em. Ngài chia sẻ về những khó khăn, vất vả thầm lặng của các cô chú phụng sự – những người đã miệt mài chuẩn bị từng bữa ăn cẩn thận, vệ sinh dọn dẹp sạch sẽ, sắp xếp mọi thứ để khóa tu được diễn ra thuận lợi. "Các con thấy đó, để có một bữa ăn ngon, một nơi nghỉ ngơi sạch sẽ, hay một buổi học suôn sẻ, có biết bao nhiêu công sức của quý cô chú đã đổ ra. Khi các con hiểu được những nỗi khổ, sự hy sinh đó, các con sẽ thấy được sự quan tâm vô bờ bến mà mọi người dành cho mình. Từ đó, các con sẽ biết trân trọng hơn và tu học tốt hơn."
Lời giảng của Thượng tọa tiếp tục xoay quanh chủ đề lòng biết ơn. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta phải luôn luôn biết ơn và cảm ơn công ơn của những người đã lo lắng, chăm sóc cho mình, từ cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục, thầy cô đã dạy dỗ tri thức, cho đến tất cả mọi người xung quanh đã tạo điều kiện cho chúng ta sống và học tập. Thượng tọa đặc biệt nhắc nhở các em về công sức của một số cô chú nhà bếp đã không quản ngại vất vả, từ mọi miền đất nước – từ miền Nam ra miền Bắc – để chuẩn bị những bữa ăn chay đầy đủ dinh dưỡng, hấp dẫn và tràn đầy tình thương cho các tu sinh.
Cuối cùng, Thượng tọa Thích Giác Duyên đúc kết từ các câu chuyện những lời dạy ý nghĩa: "Các con ạ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết tu – mà tu chính là sửa. Sửa từ tính tình nóng nảy, sửa từ việc học chưa chăm chỉ và sửa mình để luôn làm những điều tốt. Cuộc sống sẽ luôn có những khó khăn, nhưng nếu chúng ta biết rèn luyện bản thân để vượt qua được khó khăn, không sa vào những sai trái, chúng ta sẽ thấy được sự thay đổi nhân quả rõ rệt. Khi các con biết tu học thật sự, nỗ lực mỗi ngày, chắc chắn các con sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp đẽ, không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống mai sau."
Buổi pháp thoại của Thượng tọa Thích Giác Duyên không chỉ là những lời răn dạy mà còn là những lời động viên, khích lệ chân thành, giúp các em tu sinh nhìn nhận rõ hơn về trách nhiệm của bản thân và ý nghĩa của việc sống một cuộc đời biết ơn, chân chính.
Sau buổi pháp thoại đầy ý nghĩa và lắng đọng của Thượng tọa Thích Giác Duyên, không khí tại khóa tu mùa hè lại trở nên rộn ràng, háo hức hơn bao giờ hết với chương trình được mong chờ nhất buổi chiều: Phú Cường Got Talent!
Đây là sân khấu để các em tu sinh được thỏa sức thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình. Từng nhóm, từng cá nhân đã chuẩn bị rất công phu cho những tiết mục độc đáo, đa dạng. Đó là những bài hát về Đạo Phật và cha mẹ, những điệu múa uyển chuyển hay những tiểu phẩm kịch ngắn gửi gắm thông điệp ý nghĩa về lòng hiếu thảo, tình bạn, và sự sẻ chia. Và cả những màn kể chuyện, đọc thơ hay trình diễn nhạc cụ đầy bất ngờ.
Không khí của Phú Cường Got Talent tràn ngập tiếng cười, những tràng pháo tay giòn giã và những lời cổ vũ nhiệt tình từ khán giả. Mỗi tiết mục đều được các em trình diễn bằng tất cả sự tự tin và niềm đam mê. Đây không chỉ là một cuộc thi tài năng mà còn là nơi các em được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, vượt qua sự rụt rè của bản thân và thể hiện cá tính riêng. Ánh mắt rạng ngời, nụ cười tươi tắn trên môi các em khi đứng trên sân khấu đã chứng tỏ niềm vui và sự hứng khởi mà chương trình mang lại. Các Ban giám khảo là các quý Sư cũng rất tâm lý đưa ra những lời nhận xét tích cực, khích lệ tinh thần các tu sinh nhưng cũng kèm theo sự dạy dỗ để các em học học hỏi thêm từ tiết mục của mình. Phú Cường Got Talent thực sự là một điểm nhấn đặc sắc, giúp các em rèn luyện các kỹ năng chuẩn bị kế hoạch, làm việc nhóm, tinh thần tự tin và thể hiện tài năng cá nhân.
Sau khi kết thúc chương trình Talent đầy vui vẻ, các tu sinh tập trung dùng bữa tối để chuẩn bị cho một trong những sự kiện đặc biệt và thiêng liêng nhất của khóa tu: “Đêm Hoa Đăng”. Bữa tối hôm nay cho các em rất đặc biệt khi có sự tài trợ của các vị mạnh thường quân tới từ Hà Nội. Các em đã được thưởng thức một bữa tiệc Buffe chay cực kỳ hấp dẫn, bắt mắt và đầy đủ dinh dưỡng lành mạnh.
Sau bữa tối hấp dẫn, các tu sinh tập trung lên Chánh điện để tham dự Đêm Hoa Đăng. Chánh điện giờ đây trông thật đẹp đẽ, lung linh khi được sắp đặt hàng hàng các ngọn nến, báo hiệu một buổi tối tuyệt vời sẽ diễn ra. Khi màn đêm buông xuống, hàng trăm ngọn nến lung linh được thắp sáng, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấm áp, mỗi ánh lửa nhỏ như mang theo hơi thở của trí tuệ, lòng từ bi và những ước nguyện tốt lành. Trong không khí trang nghiêm và tĩnh lặng ấy, các em khóa sinh cùng nhau xếp hàng, tay nâng niu những chiếc đèn hoa đăng. Ánh mắt các em long lanh phản chiếu ánh nến, lắng nghe những lời chia sẻ ý nghĩa từ quý Thầy, Sư cô. Những lời giảng không chỉ nhắc nhở về giá trị của ánh sáng Phật pháp, mà còn đi sâu vào lòng biết ơn đối với thầy cô, đất nước, chúng sinh, và đặc biệt là công lao trời biển của cha mẹ. Quý Thầy, Sư cô đã nhấn mạnh rằng công lao của cha mẹ là một sự thật hiển nhiên mà mỗi chúng ta cần ghi nhớ. Cha mẹ là người đã ban tặng cho chúng ta hình hài này, đã gánh chịu bao nhọc nhằn từ khi ta còn là một mầm sống bé nhỏ. Mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, vượt cạn trong đau đớn để đón ta chào đời. Cha tần tảo sớm hôm, dãi nắng dầm mưa, không quản ngại khó khăn để lo cho ta miếng ăn, giấc ngủ và cả một mái ấm gia đình. Mỗi bữa cơm ta ăn, mỗi tấm áo ta mặc, mỗi con chữ ta học được, đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Khi ta ốm đau, cha mẹ thức trắng đêm lo lắng, chăm sóc cho ta. Khi ta vấp ngã, cha mẹ là bờ vai vững chãi để ta tựa vào, là ánh đèn soi sáng dẫn lối ta đứng dậy. Khi ta thành công, cha mẹ là người vui mừng nhất, tự hào nhất. Và khi ta thất bại, cha mẹ vẫn là người duy nhất không bao giờ bỏ rơi, luôn động viên và tin tưởng ta vô điều kiện.
Đức Phật đã dạy rằng, công ơn của cha mẹ là như “Núi Thái Sơn”, như “Nước trong nguồn” chảy ra. Dù có dùng cả cuộc đời để báo đáp cũng không thể nào kể xiết. Vì vậy, việc "tu" trước hết chính là "sửa" mình để trở thành người con hiếu thảo. Hiếu thảo không phải chỉ là những lời nói suông mà là những hành động cụ thể: vâng lời cha mẹ, giúp đỡ việc nhà, chăm chỉ học hành, sống có đạo đức để cha mẹ được an lòng. Tiếp nữa, còn là sự quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất như là lắng nghe, là sẻ chia, là dành thời gian bên cha mẹ khi họ về già, yếu sức. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, mỗi em đều có cơ hội nhìn lại hành trình tu học của mình, gửi gắm những lời cầu nguyện chân thành và những ước mơ về một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Khi những chiếc đèn hoa đăng được nhẹ nhàng đặt xuống mặt nước hoặc xếp trang trọng trong khuôn viên chùa, ánh sáng lung linh phản chiếu tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, chạm đến trái tim mỗi người. Mỗi ngọn nến mà các em nâng niu không chỉ mang ước nguyện cho bản thân mà còn gửi gắm lòng biết ơn sâu sắc đến cha mẹ. Trong bầu không khí xúc động và sâu lắng, nhiều tu sinh đã không kìm nổi cảm xúc và òa khóc. Chắc hẳn các em lúc đó đang sống trong sự hiểu biết về sự hy sinh của cha mẹ mình và lòng mong muốn báo đáp công ơn đó. Mong rằng biểu tượng ánh sáng từ ngọn nến ấy sẽ còn mãi và lan tỏa, nhắc nhở tất cả chúng ta về công ơn sâu nặng của cha mẹ đối với mình và từ đó đều ý thức được trách nhiệm của bản thân phải sống sao cho xứng đáng với công ơn to lớn đó.
Đêm Hoa Đăng đã khép lại ngày thứ tư của khóa tu, mang theo ánh nến lung linh và những cảm xúc sâu lắng về lòng biết ơn, đặc biệt là công ơn cha mẹ. Đây là một ngày tu học rất bổ ích đã giúp các em có thêm nhiều kiến thức về Đạo Phật, được rèn luyện sự tự tin thể hiện tài năng và phát triển lòng biết ơn sâu sắc.
Nguồn tin: TỊNH XÁ PHÚ CƯỜNG::
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn